(TCT online) - Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 7.292 DN vừa và nhỏ đang hoạt động, đóng góp 35,43% tổng thu ngân sách của địa phương. Vì vậy, để đánh giá về đóng góp của DN vừa và nhỏ trong nền kinh tế và tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra thuế, Cục Thuế Thanh Hóa đã nghiên cứu triển khai đề tài khoa học "Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với DN vừa và nhỏ ”.

Theo đó, đề tài đưa ra các nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng công tác thanh kiểm tra thuế đối với DN vừa và nhỏ, bao gồm: hoàn thiện hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra; xây dựng và hoàn thiện các công cụ hỗ trợ công tác thanh kiểm tra (sổ tay nghiệp vụ dưới dạng điện tử, hệ thống cơ sở dữ liệu); đẩy mạnh sử dụng hoá đơn điện tử và triển khai thí điểm sử dụng hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Trong số các giải pháp được đưa ra, đề tài tập trung vào nghiên cứu, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, từ đó xây dựng mô hình tuân thủ của NNT vào công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Kinh nghiệm quản lý tuân thủ nghĩa vụ thuế ở các nước OECD định nghĩa:”Tuân thủ là phạm vi mà NNT phải hoàn thành các nghĩa vụ thuế của mình, có 3 nghĩa vụ cơ bản là: Nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn; Kê khai chính xác trên hồ sơ khai thuế các thông tin để xác định số tiền thuế; Nộp nghĩa vụ thuế kịp thời, đúng thời gian”. Nguyên tắc cơ bản của mô hình là, cơ quan thuế xây dựng các hoạt động để phù hợp với thái độ của NNT đối với hành vi tuân thủ. Thái độ của NNT đối với hành vi tuân thủ được chia thành 4 cấp độ: quyết tâm không tuân thủ, không muốn tuân thủ, cố gắng tuân thủ nhưng không phải lúc nào cũng thành công và sẵn sàng tuân thủ. Đối với các cấp độ tuân thủ khác nhau, cơ quan thuế sẽ có biện pháp đối xử khác nhau để phù hợp với từng đối tượng NNT.
Về phương pháp lựa chọn đối tượng thanh tra , NNT được phân loại: vi phạm nghiêm trọng; có vi phạm nhưng không nghiêm trọng; chấp hành tốt. Thực tế cho thấy, mức độ tuân thủ có mối liên hệ chặt chẽ với mức độ rủi ro. Thông thường, mức độ tuân thủ cao thì rủi ro thấp và ngược lại. Do vậy, cơ quan thuế sẽ chủ yếu tập trung lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra ở các cấp độ quyết tâm không tuân thủ, không muốn tuân thủ. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra thuế trong điều kiện nguồn lực bị giới hạn.
Xuất phát từ kinh nghiệm quản lý tuân thủ nghĩa vụ thuế ở các nước OECD và thực tiễn công địa phương, nhóm tác giả đã xây dựng mô hình tuân thủ của NNT để áp dụng vào công tác thanh tra, kiểm tra, bao gồm 3 nhóm: Nhóm 1 - mức độ tuân thủ hành chính, Nhóm 2 - lịch sử tuân thủ pháp luật của NNT và Nhóm 3 - mức độ rủi ro rủi ro đánh giá thông qua sự biến động về thuế và các tiêu chí đánh giá về tình hình tài chính DN. Trong đó, tuân thủ hành chính là việc NNT thực hiện các quy định về thủ tục hành chính thuế như khai, nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế. Cơ quan thuế căn cứ vào các quy định pháp luật về thủ tục hành chính, xác định ngay được mức độ tuân thủ của NNT mà không cần phải thực hiện thanh tra, kiểm tra. Tuân thủ kỹ thuật là việc NNT căn cứ vào các quy định về giá tính thuế, phương pháp tính thuế, thuế suất, các quy định về các yếu tố được loại trừ khi tính thuế …để xác định số thuế phải nộp, được miễn giảm, hoặc được hoàn trả. Cơ quan thuế phải thanh tra, kiểm tra (tại cơ quan thuế hoặc trụ sở NNT) để xác định việc thực hiện các quy định của pháp luật, để xác định số thuế phải nộp mà NNT đã kê khai là đúng hay sai.
Kết hợp việc đánh giá mức độ tuân thủ hành chính thuế, lịch sử tuân thủ pháp luật thuế và đánh giá mức độ rủi ro thông qua sự biến động về thuế và các tiêu chí đánh giá về tình hình tài chính DN, cơ quan thuế lựa chọn phương án lựa "đối xử” với NNT cho phù hợp.
Một trong những giải pháp quan trọng mà nhóm nghiên cứu đưa ra là, xây dựng phần mềm nhật ký trực tuyến cho đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm mục thực hiện một cách đầy đủ, chính xác các quy trình. Phần mềm nhật ký trực tuyến được chia làm 3 phần chức năng dành cho các đối tượng tham gia trong quá trình thanh tra. Đối với chức năng dành cho thành viên đoàn thanh tra, cho phép thành viên đoàn nhập, sửa, xem lại tiến độ công việc được giao theo từng ngày, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra (bao gồm các công việc đã tiến hành, công việc đã hoàn thành, công việc đang tiến hành); những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và báo cáo kết quả theo từng ngày. Chức năng dành cho trưởng đoàn thanh tra, cho phép nhập đề cương và kế hoạch chi tiết của cuộc thanh tra; phân công công việc chi tiết cho các thành viên (bao gồm danh mục công việc, thời gian cần hoàn thành, kết quả cần đạt được); xem tiến độ công việc của các thành viên, rà soát các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của thành viên đoàn. Phần chức năng dành cho lãnh đạo, sẽ giúp lãnh đạo Cục Thuế giám sát được công việc thanh tra một cách thường xuyên. Mọi hoạt động của đoàn thanh tra sẽ được báo cáo trên phần mềm, từ đó lãnh đạo Cục Thuế sẽ có sự điều chỉnh và xử lý phù hợp những tình huống phát sinh; đôn đốc trưởng đoàn thanh tra hoàn thành công việc đúng đề cương, đúng thời gian được duyệt. Nhật ký thanh tra thực hiện khoá sổ hàng ngày để đảm bảo việc nhập thông tin được kịp thời, chính xác.
Lê Thị Ngọc Hoà (nguồn Tapchithue)